Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã có động thái cắt giảm lãi suất cho vay liên ngân hàng mạnh nhất kể từ năm 2015, khi chính quyền nước này đang ra sức hỗ trợ nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.
Theo thông báo ngày 30/3, PBOC sẽ hạ lãi suất đối với các hợp đồng repo đảo ngược kỳ hạn 7 ngày, từ 2,4% xuống 2,2%. Trong khi đó, NHTW sẽ bơm thêm 50 tỷ CNY (7,1 tỷ USD) vào hệ thống ngân hàng. PBOC cho biết động thái này sẽ đảm bảo đủ thanh khoản để hỗ trợ nền kinh tế.
Đây là lần hạ lãi suất đầu tiên của PBOC kể từ tháng 2, thực hiện theo đúng cam kết của các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhằm tăng cường biện pháp hỗ trợ nền kinh tế, thông qua hoạt động tăng lượng bán ra trái phiếu chính phủ, do nhu cầu trong nước và quốc tế sụt giảm vì đại dịch. Ngoài ra, động thái này của PBOC cũng tương tự như những NHTW trên toàn thế giới – đã nới lỏng chính sách tiền tệ đáng kể trong những tuần gần đây.
Việc cắt giảm lãi suất của PBOC điều tiết thanh khoản thị trường cũng là dấu hiệu cho thấy sẽ có một đợt cắt giảm khác trong năm, đồng thời dẫn tới việc cắt giảm lãi suất tiền gửi. Việc giảm lãi suất chính sách cũng cần được phản ánh trong các chỉ số tham chiếu của thị trường như chi phí vay của doanh nghiệp, lãi suất cho vay cơ bản.
Sau thông tin trên, giá nhân dân tệ trên thị trường quốc tế giảm nhẹ. Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ Trung Quốc kỳ hạn 10 năm ban đầu bật tăng, sau đó giảm dần.
Khi GDP vốn đang đi xuống do các nhà máy đóng cửa và người dân hạn chế đi lại, kinh tế Trung Quốc lại chịu thêm sức ép do nhu cầu bên ngoài giảm sút vì dịch bệnh lây lan. Việc này khiến giới chức phải chuyển hướng chính sách. Đến nay, quy mô kích thích kinh tế của Trung Quốc vẫn nhỏ hơn rất nhiều các nước trên thế giới.
PBOC trước đó cho biết thanh khoản thị trường vẫn rất dồi dào. Đầu tháng này, Bắc Kinh bơm thêm 100 tỷ nhân dân tệ vào thị trường liên ngân hàng, thông qua công cụ cho vay trung hạn (MLF). Họ cũng hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các nhà băng để giải phóng thêm 550 tỷ nhân dân tệ vốn vay trong dài hạn.