Lịch kinh tế tuần này sẽ ngập tràn dữ liệu có thể giúp chúng ta nắm rõ hơn mức độ ảnh hưởng của Covid-19 đến tăng trưởng toàn cầu. Mỹ sẽ công bố doanh số bán lẻ và số liệu sản xuất công nghiệp cho tháng 4, trong khi Anh và Đức sẽ công bố dữ liệu về GDP quý 1. Các hành động đe dọa thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump chống lại Trung Quốc tiếp tục gây lo ngại cho các nhà đầu tư tại thời điểm các khu vực lớn của nền kinh tế Mỹ vẫn đang ở trong tình trạng gần như dậm chân tại chỗ. Ngoài ra, Bitcoin sẽ trải qua đợt “Halving” thứ 3 trong lịch sử 11 năm tồn tại. Đây là những gì bạn cần biết để bắt đầu tuần mới.
1. Dữ liệu từ Mỹ sẽ cho thấy sự sụt giảm nghiêm trọng trong các hoạt động kinh tế
Dữ liệu về doanh số bán lẻ và sản xuất công nghiệp của Mỹ tháng 4, được công bố vào thứ Sáu tới sẽ làm nổi bật hơn nữa ảnh hưởng của việc đóng cửa nền kinh tế đối với doanh số và sản lượng của nhà máy. Các nhà kinh tế đang dự đoán doanh số bán lẻ sẽ giảm 11.6%, vượt qua mức giảm kỷ lục là 8.4% trong tháng 3. Sản xuất công nghiệp được dự báo sẽ giảm 11.5%, sau khi đã giảm 5.4% trong tháng 3.
Những con số liên quan đến tâm lý người tiêu dùng và lạm phát cũng sẽ được công bố trong khi báo cáo hàng tuần vào thứ Năm tới về số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp ban đầu sẽ cung cấp thông tin về tuần thứ tám kể từ khi lệnh đóng cửa nền kinh tế có hiệu lực. Báo cáo thứ Năm tuần trước cho thấy số đơn yêu cầu vượt mức 3 triệu trong tuần thứ bảy liên tiếp, tuy nhiên cũng đã giảm từ mức đỉnh 6.8 triệu được công bố trong tuần kết thúc vào ngày 28 tháng 3.
Các nhà đầu tư cũng sẽ dõi theo bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell về các vấn đề kinh tế hiện nay tại một hội thảo trực tuyến được tổ chức bởi Viện Kinh tế Quốc tế Peterson vào thứ 4.
2. Những động thái đe dọa thương mại của Trump đối với Trung Quốc
Căng thẳng thương mại Mỹ – Trung dường như sẽ tiếp tục sôi sục sau khi Trump nói với Fox News Channel hôm thứ Sáu rằng ông cảm thấy “giằng xé” về việc liệu có nên chấm dứt thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Trung Quốc hay không.
Chính quyền Tổng thống Trump đang cân nhắc các hành động trừng phạt chống lại Bắc Kinh do cách Trung Quốc xử lý sự bùng phát của đại dịch Covid-19, bao gồm cả các biện pháp thuế quan cũng như việc chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.
Trump tuyên bố sẽ chấm dứt thỏa thuận thương mại nếu Trung Quốc không đáp ứng các cam kết mua hàng. Ông nói hôm thứ Tư rằng ông sẽ biết trong vòng một hoặc hai tuần liệu điều đó có thể xảy ra hay không.
Thỏa thuận giai đoạn 1, yêu cầu Bắc Kinh tăng cường mua hàng hóa của Mỹ thêm 200 tỷ USD trong 2 năm, chỉ có hiệu lực vào ngày 15 tháng 2 khi đại dịch Covid-19 đang diễn ra. Việc đóng cửa nền kinh tế với mục đích ngăn chặn sự lây lan của virus đã giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Trung Quốc và hiện nay nền kinh tế nước này mới bắt đầu trong giai đoạn hồi phục.
3. Dữ liệu GDP của Anh và Đức cho thấy những tác động ban đầu của Covid-19
Con số GDP 1 từ Anh và Đức sẽ mang lại cho các nhà đầu tư những cảm giác ban đầu về sự sụp đổ kinh tế từ các đợt cách ly xã hội bắt đầu vào cuối tháng 3.
Nền kinh tế Anh dự kiến sẽ sụt giảm 2,5% trong quý, nhưng những tác động đầy đủ, điều sẽ được thấy trong báo cáo trong quý II, có lẽ sẽ tồi tệ hơn nhiều. Ngân hàng Trung Ương Anh (BOE) tuần trước cho biết họ kỳ vọng nền kinh tế Anh sẽ giảm 14% trong năm nay, mức sụt giảm hàng năm tồi tệ nhất trong hơn 300 năm và tỷ lệ thất nghiệp lên tới 8% khi cuộc khủng hoảng do Covid-19 tàn phá nền kinh tế.
Trong khi đó, nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng Euro, Đức, dự kiến sẽ giảm 2,1% trong ba tháng đầu năm và chính phủ nước này dự kiến mức giảm 6,3% hàng năm trong năm nay, mức cao nhất kể từ Thế chiến II.
4. Sự phân kỳ giữa chứng khoán và nền kinh tế Mỹ tiếp tục nới rộng
Việc các dữ liệu gần đây chỉ ra sự sụt giảm lịch sử của các hoạt động kinh tế đang khiến các nhà đầu tư hết sức lo ngại rằng sự kích thích chưa từng có từ Cục Dự trữ Liên bang và chính phủ Mỹ đã khiến các thị trường rũ bỏ hết những sự đình trệ nghiêm trọng của nền kinh tế.
Báo cáo hôm thứ Sáu của Bộ Lao động Mỹ cho thấy rằng nền kinh tế nước này đã cắt giảm tới 20,5 triệu việc làm trong tháng 4, mức giảm mạnh nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng. Nếu dữ liệu kinh tế trong tuần này thậm chí tồi tệ hơn dự báo, con số vốn dĩ đã hết sức khủng khiếp, nó có thể củng cố lập luận rằng sự phục hồi của chứng khoán có lẽ đã đi quá xa. Nhưng vẫn còn quá sớm để nói liệu nó có thể chấm dứt đà tăng vọt hay không, sau khi tháng 4 chứng kiến chứng khoán Mỹ đạt mức tăng hàng tháng tốt nhất trong ba thập kỷ, mặc cho những dữ liệu kinh tế tồi tệ của tháng 3.
Những sự phục hồi gần đây có thể sẽ yếu dần nếu các tiểu bang của Mỹ gặp khó khăn trong việc mở lại nền kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp không giảm trong những tháng tới.
5. Đợt “halving” thứ 3 của Bitcoin
Các nhà đầu tư đang háo hức chờ đợi đợt halving thứ 3 trong lịch sử 11 năm của Bitcoin. Hai lần “halving” trước đó đã châm ngòi cho các đợt tăng giá mạnh mẽ của đồng tiễn mã hoá này, nhưng lần này xuất hiện thêm ẩn số mang tên đại dịch Covid-19, một số nhà phân tích cho biết.
“Từ góc độ thị trường hiệu quả (efficent market), bất kỳ phản ứng cơ bản nào đối với đợt “halving” đều đã được phản ánh vào giá tại thời điểm này; xét cho cùng, thật khó để tưởng tượng một sự kiện nào có thể dễ dự đoán hơn 1 sự kiện giới hạn nguồn cung đã được lên lịch từ hơn 1 thập kỷ trước tại một thị trường thanh khoản như thế này”, Matt Weller, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường toàn cầu tại GAIN Capital cho biết.
Công nghệ của Bitcoin được thiết kế theo cách nó cắt giảm một nửa phần thưởng cho các công ty khai thác 4 năm 1 lần, một động thái nhằm kiềm chế lạm phát.